Không thể bảo đảm an ninh lương thực nếu không ứng dụng khoa học công nghệ

Hiện có tới 29,6% dân số toàn cầu bị mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Không có giải pháp đơn lẻ để giải quyết vấn đề phức tạp này, nhưng nhất thiết phải ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hệ lụy khôn lường.  

Châu Á có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất

Theo Báo cáo về tình trạng An ninh lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới (SOFI) năm 2023, ước tính có từ 691 đến 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói. Khu vực châu Á có tỷ lệ người dân chịu đói cao nhất, chiếm hơn một nửa (55%) con số đó.

CropLife châu Á và Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2030

Báo cáo SOFI chỉ ra, khoảng 2,4 tỷ người - tương đương 29,6% dân số toàn cầu - bị mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng vào năm 2022, trong đó số lượng này ở châu Á là hơn 1,1 triệu người. Ngoại trừ châu Âu và Bắc Mỹ, tình trạng mất an ninh lương thực ở nông thôn đều cao hơn thành thị ở tất cả các khu vực khác trên thế giới. Tại châu Á, tỷ lệ mất an ninh lương thực ở nông thôn là 26,5% và tại thành thị là 21,8%.

Với dự báo số người bị suy dinh dưỡng kinh niên vào năm 2030 là gần 600 triệu người, báo cáo SOFI, nhận định việc đạt được mục tiêu Phát triển bền vững số 2 - Không còn nạn đói - là một thách thức lớn.

Theo TS. Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành CropLife châu Á, mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn lớn cho nhiều người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.  

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, biến đổi khí hậu đang làm căng thẳng thêm những thách thức và khó khăn này. Những hình thái thời tiết bất thường, sự xuất hiện của các loài sâu hại, dịch bệnh mới ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp, gây mất mùa, giảm năng suất cây trồng, nguy hại cho sức khỏe vật nuôi và vì thế trực tiếp đe dọa khả năng bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự đoán, đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất cây trồng toàn cầu từ 5 đến 30%.

“Hơn một nửa các nhà hoạch định chính sách trong ASEAN tin rằng biến đổi khí hậu là trở ngại lớn nhất mà hệ thống thực phẩm trong khu vực đang phải đối mặt hiện nay”, ông Duke Hipp, Giám đốc Đối ngoại và Hợp tác chiến lược của CropLife châu Á, nói tại Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững” tổ chức ở Hà Nội gần đây.

Chìa khóa ứng phó với đói nghèo

Cũng tại Diễn đàn này, các nhà khoa học trong và ngoài nước, khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp là chìa khóa để ứng phó với đói nghèo và bảo đảm an ninh lương thực. Các ứng dụng khoa học thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là khi nông dân phải đối mặt với các hình thái thời tiết không thể dự đoán trước; quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, giải pháp tăng cường đặc tính sinh học cho một số cây trồng chính có ý nghĩa rất quan trọng. TS. Rhodora Romero - Aldemita, Giám đốc điều hành của Tổ chức quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết, cây trồng công nghệ sinh học thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý và giảm phát thải khí nhà kính. Cứ mỗi USD đầu tư vào hạt giống cây trồng biến đổi gene, thu nhập gia tăng trung bình nông dân sẽ thu về là 3,76 USD, trong đó, 5,22 USD ở các nước đang phát triển và 3 USD ở các nước phát triển.

Hơn thế nữa, khi chi phí thực phẩm ngày càng tăng, nhiều người có thể không được tiếp cận hoặc không đủ khả năng mua những loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thì việc tiêu thụ thực phẩm cơ bản từ những cây trồng chính có các đặc tính sinh học cải tiến sẽ giúp đáp ứng lượng dinh dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người.

“Khi chắc chắn sẽ không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề phức tạp này (mất an ninh lương thực - PV), CropLife châu Á và các thành viên cam kết giới thiệu những công nghệ và cải tiến để nông dân có nhiều công cụ hơn để sản xuất được nguồn thực phẩm lớn hơn nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn và hạn chế bớt những tác động tiêu cực lên môi trường xung quanh”, TS. Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành CropLife châu Á, nhấn mạnh.

Tháng 10.2023, CropLife châu Á và Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo, tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

Tại Việt Nam, khoa học công nghệ đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, việc các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hóa là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện.

Hà Lan

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play