BFC: “Tâm” và “Tầm” - Bí quyết thành công của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

Chia sẻ của GS.TS. Mai Văn Quyền, nguyên Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền 

Tôi vinh dự được làm việc với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền từ năm 1999 cho đến nay vừa tròn 24 năm, trong đó có 20 năm với chức danh là chủ tịch Hội đồng Khoa học (HĐKH) của công ty, trải qua 2 đời Tổng Giám đốc là anh Lê Quốc Phong và anh Ngô Văn Đông. Với ngần ấy thời gian cũng có thể đủ để giúp tôi có được một nhận thức có cơ sở, đó là: Bất cứ một tổ chức hoạt động kinh tế, chính trị hay xã hội muốn phát triển, tồn tại một cách bền vững thì người đứng đầu cần phải có đủ cả Tâm và Tầm. Hai tiêu chuẩn này đều rất quan trọng, nhưng cái Tâm quan trọng và quyết định hơn cái Tầm.

Trong thực tế không ít các tổ chức, công ty vì người đứng đầu thiếu 2 tiêu chí này nên đã bị thất bại rồi phá sản. Đối chiếu với 2 vị Tổng Giám đốc của Công ty CP Phân bón Bình Điền, thoạt đầu cũng không phải là những cán bộ có kỹ năng về sản xuất, kinh doanh phân bón. Là lãnh đạo công ty phân bón mà không có chuyên môn về lĩnh vực này tức là cái Tầm cũng bị hạn chế. Nhưng do cái Tâm của các vị Tổng Giám đốc này rất tốt nên đã vừa tự học hỏi, trau dồi kiến thức cho mình, vừa biết sử dụng kiến thức của nhiều người, nhiều nguồn khác nhau để có cái Tầm đủ điều kiện để biến một đơn vị sản xuất nhỏ bé, thiếu thốn mọi bề trở thành một công ty có danh tiếng như ngày nay.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, luận bàn về bí quyết thành công của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đến từ 2 vị Tổng Giám đốc của Bình Điền:

Với cựu Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong, sau khi từ chiến trường trở về, Lê Quốc Phong được tuyển vào làm việc ở Công ty Phân bón Miền Nam. Nhận thấy mình thiếu kiến thức về chuyên môn nên đã vừa làm vừa đi học thêm cả chuyên môn và ngoại ngữ. Từ một trưởng phòng tổ chức của Công ty Phân bón Miền Nam, năm 1989 được phân công về phụ trách Xí nghiệp Phân bón Bình Điền II, vốn là một cơ sở kinh doanh phân bón tư nhân nhỏ lẻ, có tên Thataco được thành lập vào năm 1973.

Sự thành công của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có dấu ấn to lớn của Tổng Giám đốc hai thế hệ kế tiếp: doanh nhân Lê Quốc Phong (bên trái) và doanh nhân Ngô Văn Đông. Ảnh: Ngọc Vân

Sau ngày giải phóng Miền Nam năm 1975, người chủ đã hiến tặng cơ sở này lại cho Nhà nước. Từ đó, qua 5 đời giám đốc thay nhau tiếp quản, vận hành mà cơ ngơi vẫn còn quá thô sơ và lạc hậu đến mức có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản. Không chấp nhận thực tại, từ khi được bổ nhiệm giữ trọng trách Giám đốc Xí nghiệp, nắm trong tay một sơ sở sản xuất phân bón mà đội ngũ công nhân, kỹ thuật vẻn vẹn chỉ có 50 người, hầu hết là không có chuyên môn, kỹ thuật; máy móc thiết bị quá lạc hậu, lại thiếu vốn trong lúc tồn kho 1.000 tấn phân bón mà không bán được, nên công nhân cũng không được trả lương, Giám đốc Phong lúc bấy giờ nhờ chữ Tâm và Tầm nên đã tìm cách xoay xở “tứ phía”, kết quả đã tiêu thụ được số phân tồn kho, có thêm chút vốn trang trải lương bổng cho công nhân, rồi tìm cách vay thêm vốn mua sắm trang thiết bị, tìm người tư vấn thêm về kỹ thuật, tư vấn một người chưa đủ thì thành lập hội đồng khoa học để có thêm nhiều kiến thức, tuyển thêm công nhân lành nghề, mở rộng sản xuất. Nhờ quan hệ chặt chẽ với bạn hàng và nông dân nên sản phẩm ngày càng tiêu thụ được nhiều hơn. Phong cũng cùng với các cán bộ lãnh đạo khác xây dựng các chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên người lao động nên khi hàng bán được nhiều thì đời sống của công nhân lao động cũng được cải thiện tốt hơn, họ ngày càng phấn khởi, tin tưởng Phong nhiều hơn.

Ở Lê Quốc Phong không những có Tâm và có Tầm mà còn là người chân thành với bạn bè và đồng nghiệp nên được mọi người tin cẩn và mến phục. Nhiều bà con bạn hàng thường gọi Lê Quốc Phong là Phong “Đầu Trâu” với ý niệm rất thân mật và quý mến. Chính những tố chất như vậy đã phần nào giúp cho Xí nghiệp Phân bón Bình Điền II - vốn nhỏ bé, lạc hậu, năm 2003 trở thành Công ty Phân bón Bình Điền và chỉ sau 8 năm, cuối  năm 2011, đã trở thành Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với 4 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng, Công ty CP Bình Điền MeKong, Công ty CP Bình Điền Quảng Trị, Công ty CP Bình Điền Ninh Bình trải dài từ Nam ra Bắc, và 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao là Công ty TNHH MTV Thể thao Bình Điền Long An.

Với Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông, khác với anh Phong ở chỗ gia nhập Công ty Phân bón Bình Điền với bằng kỹ sư nông học. Dẫu vậy, từ học chuyển sang hành ở môt đơn vị sản xuất kinh doanh thì vẫn là một lính mới. Thoạt đầu, anh được bổ nhiệm ngay vào vị trí Giám đốc Công ty CP Bình Điền Quảng Trị. Trong những năm lăn lộn ở khu vực mà nền nông nghiệp vốn nghèo nàn và lạc hậu hơn nhiều so với các vùng khác, anh đã gặp không ít thách thức và trở ngại. Tuy thế, anh cũng đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng quý.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, người kế nhiệm ông Lê Quốc Phong, Nguyên Tổng Giám đốc, từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Ngọc Vân

Trong tình cảnh khó khăn nhưng anh đã hội nhập rất nhanh, đã cùng với tập thể Ban Giám đốc và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Bình Điền Quảng Trị vượt qua được những thử thách ban đầu và rất sớm đưa Bình Điền Quảng Trị trở thành đơn vị làm ăn có lãi, nhanh chóng phát huy được ưu thế ở khu vực các tỉnh Miền Trung, đồng thời sớm mở rộng thị trường sang đất nước bạn Lào.

Về sau, do nhu cầu phải thay thế Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong sắp đến tuổi nghỉ hưu, nên anh Ngô Văn Đông được điều chuyển về làm Phó Tổng Giám đốc tại công ty mẹ là Công ty CP Phân bón Bình Điền, và có thời gian được giao luôn trọng trách kiêm Giám đốc Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An, rồi Giám đốc Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng, một đơn vị hạch toán phụ thuộc và một đơn vị thành viên hạch toán độc lập khác của công ty mẹ nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của công ty mẹ và Bình Điền Lâm Đồng tại khu vực Tây Nguyên.

Với anh Đông, trước khi tiếp quản công việc của người tiền nhiệm, đã có thời gian kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo. Trong khoảng thời gian này, anh đã có điều kiện cùng Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong và nhiều cán bộ, nhân viên khác trải qua biết bao sự kiện, nếm trải biết bao thử thách, thành công và chưa thành công, nên chữ Tầm vốn có trong anh cũng được mở rộng thêm. Khi chính thức tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhiệm vụ của anh Đông không hề đơn giản, anh vừa phải giữ vững thành quả của người đi trước đạt được, vừa phải phát huy hết khả năng của mình để cùng với tập thể công nhân, lao động trong toàn hệ thống Bình Điền mở rộng thành tích lớn hơn để đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và thời cuộc.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền đón nhận danh hiệu Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. Ảnh: Ngọc Vân

Không lâu sau đó, dịch Covid-19 ập đến kéo dài 3-4 năm, làm cho sức sản xuất giảm, giá vật tư thiết yếu và các vật tư phục vụ sản xuất phân bón tăng, trong khi việc giao lưu buôn bán sản phẩm nông nghiệp lại bị đình trệ. Dù vậy, anh Đông đã cùng với tập thể lãnh đạo cũng như công nhân lao động đã phấn đấu hết mình để giữ cho sản xuất và phân phối phân bón ít bị suy giảm. Trong vài năm kể từ sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt thì khối lượng sản xuất, phân phối các chủng loại phân bón của Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có dấu hiệu tăng hơn trước. Điều này chứng tỏ nhiệm vụ phát triển sản phẩm của toàn công ty đang được tăng lên khá hấp dẫn. Đó cũng là thành tích đáng trân trọng. Hiện anh Bình Điền tổ chức nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp thông minh trên nhiều vùng và sản xuất ra các loại phân bón mới phù hợp với sản xuất nông nghiệp nghiệp xanh và bền vững.

Như vậy, qua thực tiễn, bí quyết thành công của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đều có Tâm và có Tầm. Lãnh đạo công ty thành viên của Phân bón Bình Điền cũng đều được xác định là vừa có Tâm vừa có Tầm nên đã lãnh đạo tập thể cán bộ công nhân lao động toàn công ty  thu được thành tích đáng trân trọng, được đông đảo nông dân và Lãnh đạo cấp trên thừa nhận.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi có Tâm thì người lãnh đạo sẽ luôn trăn trở tìm cách tháo gỡ, thoát ra khỏi khó khăn, thách thức để thực hiện bằng được mục tiêu đã định. Để có thêm Tầm thì phải học, và nhanh nhất là học qua bạn bè, các cá nhân, tổ chức có kiến thức mà mình cần. Muốn vậy, cần phải có chính sách thích hợp.

Có Tâm, người cán bộ lãnh đạo sẽ luôn luôn gương mẫu, công bằng, chăm lo đời sống cho các thành viên để họ an tâm làm việc. Có Tâm thì sẽ luôn lắng nghe ý kiến của bạn hàng và người tiêu dùng để tu chỉnh sản phẩm cho thích hợp. Có Tâm thì phân bón trước khi đưa ra sản xuất cần được khảo nghiệm theo vùng sinh thái, tốt nhất là có nông dân tham gia để sản phẩm có độ tin cậy cao, không làm mất uy tín với khách hàng. Có Tâm thì trong bán hàng luôn tư vấn cặn kẽ, sau bán hàng vẫn chưa hết trách nhiệm, chỉ khi người nông dân đạt được hiệu quả canh tác cao trên đồng ruộng thì công ty ty mới hoàn thành trách nhiệm của mình.

Xét thấy trong 50 năm qua, hệ thống Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã đạt được những tiêu chí như vậy.

daibieunhandan

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play