Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển

Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) sẽ tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
 
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
 
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh, thành ven biển; kinh tế biển đóng góp 60% tổng GDP. Tuy nhiên, quy mô khu vực kinh tế này còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn… ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu, môi trường biển đang biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản đang giảm sút nghiêm trọng thiếu bền vững.
 
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, để quản lý và phát triển tốt nguồn tài nguyên biển, cần đánh giá kết quả và hạn chế trong phát triển kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

 
Nghị quyết 138/NQ-CP nêu rõ: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển
 
Cũng chung góc nhìn như vậy, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các ngành kinh tế biển đang từng bước trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước; vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn; sản lượng khai thác dầu khí đạt 18,43 triệu tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn; có 35 dự án điện gió đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.
 
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông đã được quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế. Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập; đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, còn một số bất cập như hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển đang trong quá trình hoàn thiện; chưa xây dựng được hệ thống hạch toán, thống kê kinh tế biển và đại dương; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ còn chậm được áp dụng do Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương vẫn còn đang trong quá trình xây dựng; việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa tạo ra đột phá và vươn ra vùng biển quốc tế…
 
Trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển
 
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP (25/10/2022) về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) sẽ tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Phát triển một số ngành công nghiệp biển có lợi thế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.
 
Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận) tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
 
Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh) tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao. Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang) tập trung xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh, mang tầm quốc tế. Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
 
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, để kinh tế biển phát triển bền vững, cần dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành dịch vụ logistics nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra của Chính phủ. Trong đó, trước hết cần tập trung chỉ đạo rà soát, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến ngành dịch vụ logistics phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước, hiệp định mà Việt Nam tham gia làm thành viên. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển. Cùng với đó, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics trong nước phát triển, như hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu; chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics… Hai là đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao giữa đường biển, đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
 
Trong khi đó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa kiến nghị: Để phát huy tiềm năng và thế mạnh trở thành trung tâm kinh tế biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần sớm hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển, các tuyến cao tốc… để kết nối vùng gắn với thu hút đầu tư, hiện đại hóa các cảng biển Chân Mây, Liên Chiểu… Việc đầu tư hạ tầng giao thông có tính nội vùng nhưng cũng kết nối các vùng kinh tế lân cận để phá vỡ tính chia cắt do địa hình.
 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng đề xuất, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, cần tập trung vào 3 khâu đột phá gồm: Thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng để tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam. Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
 

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play