TS. Võ Trí Thành: Uỷ ban Quản lý vốn NN tại doanh nghiệp nên hoạt động như một nhà đầu tư
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, tương tự mô hình công ty quản lý quỹ để đảm bảo được tính linh hoạt, điều chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đầu tư mua thêm, nâng cấp công nghệ,...
Bàn về việc huy động nguồn lực của khối doanh nghiệp nhà nước(DNNN) để phát triển kinh tế - xã hội tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Nhìn lại và Hướng tới” diễn ra ngày 26/9, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.
Ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Đầu tư).
So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,15 triệu tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018); tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 228 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769,9 nghìn tỷ đồng.
Đối với hoạt động xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Với 4 dự án còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý với ba dự án.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ nhiều kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước nên hoạt động như nhà đầu tư
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: Báo Đầu tư).
Đánh giá cao những kết quả mà các Tập đoàn, Tổng công ty đã đạt được song TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, tương tự mô hình công ty quản lý quỹ.
"Nếu hoạt động theo mô hình này sẽ đảm bảo được tính linh hoạt. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên được linh hoạt quyết định đầu tư, điều chuyển từ nơi thừa ở tập đoàn này sang tập đoàn khác, có thể đầu tư mua thêm, nâng cấp công nghệ, thoái vốn khỏi một công ty khác… Các động thái này linh hoạt theo đòi hỏi của thị trường, xu hướng, công nghệ…", ông Thành nói.
Chỉ ra một số quốc gia đã áp dụng mô hình này như Singapore, TS. Thành nói, ở Việt Nam khi áp dụng theo mô hình công ty quản lý quỹ vẫn phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng song cần có cách giám sát, đặt mục tiêu chiến lược.
Do đó, về trước mắt cần nghiên cứu bài bản tổng thể mô hình, quyền hạn của các mô hình mới có thể áp dụng với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ở doanh nghiệp. Song song với đó là hoàn thiện, khắc phục tồn đọng về pháp lý về chức năng cũng như phân cấp, phân quyền.
"Từ những bước đi tiệm cận ấy kết hợp với các sandbox thí điểm về quyền tự chủ trong đầu tư để đưa ra mô hình phù hợp nhất”, ông Thành khuyến nghị.
Đánh giá Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cần giữ vai trò "nhạc trưởng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, Uỷ ban phải điều phối, huy động nguồn lực rất lớn của 19 Tập đoàn, Tổng công ty để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển, thì cần đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, đặc biệt là nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Trung cho hay.
Hiện, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobifone), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV),
Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Hạ An
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh