Ngoại trưởng Nga cởi mở trong việc trao trả lại 4 vùng Moscow sáp nhập cho Ukraine?
Quan chức hàng đầu của Điện Kremlin cuối tuần trước gợi ý rằng Nga có thể đồng ý chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu một điều kiện quan trọng được đáp ứng.
Trong cuộc họp báo tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Sergey Lavrov hôm 23.9 cho biết, Nga có thể sẽ công nhận biên giới Ukraine như đã làm vào năm 1991 nếu Kyiv cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.
“Vào năm 1991, Moscow đã công nhận chủ quyền của Ukraine trên cơ sở Tuyên ngôn Độc lập mà nước này đã thông qua khi rời khỏi Liên Xô. Một trong những điểm chính đối với chúng tôi là Ukraine sẽ là một quốc gia trung lập và không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Trong những điều kiện đó, chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”, ông Lavrov nói với các phóng viên.
Ông Lavrov khẳng định kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố trước đó, bao gồm nội dung đòi hỏi Nga lập tức phải rút toàn bộ lực lượng về nước là "hoàn toàn không khả thi".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov - Ảnh: Sputnik
Ngoại trưởng Nga cho biết thêm, mâu thuẫn sẽ buộc phải tiếp tục giải quyết trên chiến trường nếu Kyiv và các đồng minh phương Tây của họ không thay đổi lập trường.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đàm phán về cuộc xung đột đang diễn ra với Kyiv bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo ông Lavrov, Nga sẽ không xem xét bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến lệnh ngừng bắn.
“Tổng thống Putin đã nói rất rõ ràng: Chúng tôi sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không xem xét bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào vì chúng tôi đã làm như vậy một lần và đã bị lừa”, Ngoại trưởng Nga nói.
Giáo sư Mark N. Katz, Trường Chính sách và Chính phủ của Đại học George Mason (Mỹ) nói với Newsweek: "Tuyên bố về chủ quyền nhà nước năm 1990 của Ukraine đề cập việc Ukraine là một quốc gia trung lập vĩnh viễn và không tham gia vào các khối quân sự. Bình luận của Ngoại trưởng Nga Lavrov ngụ ý rằng, Moscow sẽ công nhận đường biên giới năm 1990 của Ukraine nếu Ukraine từ bỏ tư cách thành viên NATO”.
Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy Ukraine trở thành một phần của NATO và những nỗ lực của ông đã nhận được sự ủng hộ của các quan chức chủ chốt của NATO. Nhưng ngay cả khi ông Zelensky đồng ý từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên NATO để chấm dứt chiến tranh, Ukraine và Nga vẫn có khúc mắc trong vấn đề Crimea.
Nga đã đơn phương sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, ông Zelensky đã khẳng định sẽ đòi lại bán đảo này như một phần của quốc gia mình. Sau khi Liên Xô tan rã, Crimea được tuyên bố là của Ukraine, điều này khiến một số nhà quan sát suy đoán tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Nga dường như đã ám chỉ rằng Moscow có thể sẵn sàng từ bỏ khu vực này.
Theo chuyên gia Katz, mặc dù Crimea là một tỉnh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine vào năm 1990, nhưng ông có cảm giác rằng tuyên bố của ông Lavrov có thể không dứt khoát và cần có thêm "sự làm rõ" về Crimea.
“Nếu Moscow chỉ muốn chấm dứt chiến tranh, họ có thể coi việc ngăn chặn Kyiv gia nhập NATO là một chiến thắng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với từ bỏ các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát.
Tôi không chắc họ có thể làm điều này vì nó sẽ đặt ra câu hỏi liệu thương vong mà lực lượng Nga phải gánh chịu trong cuộc xung đột này có xứng đáng với một thỏa thuận như vậy hay không - giả sử rằng chính phủ Ukraine và NATO sẽ đồng ý với điều kiện đó”, ông Katz nhận định.
Trong khi đó, David Silbey, Phó giáo sư Lịch sử tại Đại học Cornell (Mỹ) nói với Newsweek rằng ông nhận thấy tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov và cách nó liên quan đến Crimea là "mơ hồ và thú vị".
"Ông Lavrov đã có thể nói rõ ràng hơn, nhưng ông ấy không làm vậy. Ông ấy biết rằng điều này sẽ ngay lập tức khiến dư luận đặt ra câu hỏi về Crimea”, ông Silbey nói.
Một số nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Nga không sẵn sàng nhường lại Crimea cho Ukraine, bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Lavrov có thể được hiểu là Moscow có thể từ bỏ việc kiểm soát với các tỉnh Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia - vốn được sáp nhập vào Nga vào năm ngoái trong một động thái bị cộng đồng quốc tế phản đối.
“Về 4 vùng lãnh thổ, tôi nghĩ tuyên bố của ông Lavrov cho thấy rằng người Nga sẵn sàng trả lại chúng”, Silbey nói.