Hoàn thuế VAT kéo dài, doanh nghiệp gỗ gặp khó

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, theo thống kê sơ bộ của hiệp hội, số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp rất khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh (tư liệu) minh họa: TTXVN

Trong số đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Riêng với 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ đồng thuộc các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Đại diện Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng cho biết, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế VAT vì thời gian hoàn thuế kéo dài. Theo quy định thời gian đối với hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau là 40 ngày nhưng hồ sơ hoàn thuế của công ty bị kéo dài tới hơn 6 tháng mà không nhận được quyết định hoàn hay không hoàn.

Nguyên nhân được đại diện công ty cho biết bởi do có quá nhiều bất cập trong truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ vì theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng rừng. Trong khi đó, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp được mua của vài chục hộ trồng rừng tại nhiều địa phương khác nhau. Doanh nghiệp không có thời gian và nhân lực để đi xác minh đủ số hộ bán gỗ cho công ty. Chính vì lẽ đó, công ty phải rút hồ sơ và tạm thời hoãn nộp hồ sơ hoàn thuế để tập trung vào sản xuất kinh doanh tìm đầu ra cho đơn hàng mới.

Theo ông Thang Văn Thông, đại diện chi Hội Dăm gỗ Việt Nam, cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT cũng có những lý do riêng, tuy nhiên những lý do này chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay của doanh nghiệp.

Theo ông Thang Văn Thông, theo Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng. Do đó, thời gian xác minh rất dài. Chi cục Thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh việc này, nên nếu xác minh việc này phải nhờ đến đơn vị thứ 3 mà ở đây là cơ quan công an.

Như đại diện Công ty TNHH Tỷ Long cho biết, việc xác minh tới người dân rất khó cho doanh nghiệp. Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Hiện hồ sơ hoàn thuế này đã kéo dài 2 năm mà chưa xác minh xong. Mỗi ngày 2 cán bộ công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng nghìn chủ rừng. Nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm.

Ông Thang Văn Thông cho rằng, cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp làm không đúng thì pháp luật quản lý, giám sát họ. Còn các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ để họ kinh doanh tiếp. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt để doanh nghiệp thực hiện.

Ông Thông cũng đề nghị Tổng cục Thuế nên xem xét lại việc yêu cầu truy xuất thuế đến người trồng rừng. Những doanh nghiệp hoạt động không đàng hoàng thì đưa vào diện điều tra, còn những hồ sơ có kê khai, nộp thuế thì ưu tiên hoàn thuế, từ đó, có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp được quay vòng vốn.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế, chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế GTGT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, hiện nay quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản rất phức tạp, không khả thi, mất rất nhiều thời gian và phát sinh nhiều chi phí nếu tiến hành xác minh đầy đủ.

Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị cơ quan thuế chỉ tập trung kiểm soát chặt các nhà cung cấp, doanh nghiệp có xuất hóa đơn thông qua hệ thống hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp bị phát hiện gian lận hoàn thuế GTGT phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ tuân thủ pháp luật và giúp ngăn ngừa từ sớm những rủi ro trong lĩnh vực thuế.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề nghị đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế vì, theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp.

Nếu tình trạng hoàn thuế GTGT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế GTGT để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính. Hoặc có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu thuộc mã HS 94 giảm sâu tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương như: gỗ dán, ván sợi, ván bóc…

Bích Hồng (TTXVN)

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play