Giải pháp “cứu nguy” doanh nghiệp bất động sản năng lực yếu

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài được ví như “người sắp chết đuối”, do dự án khó bán, nguồn vốn siết chặt.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở"

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARS), từ những tháng cuối năm 2022, khi chính sách tín dụng bị thắt chặt, các kênh dẫn vốn đồng loạt bị tắc nghẽn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải tạm dừng triển khai dự án.

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, tạo ra các cuộc đua lãi suất huy động. Điều này khiến cho một lượng lớn tiền trong dân đổ dồn vào kênh ngân hàng thay vì chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh, bao gồm thị trường bất động sản. Cùng với đó, tâm lý e dè, lắng nghe, quan sát thị trường của số đông khách hàng cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường.

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" như "người sắp chết đuối" (Ảnh: TN)

Đặc biệt, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao, luẩn quẩn trong mớ bòng bong, không tìm ra lối thoát. Mặc dù Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ nhưng các biện pháp này được cho là chưa đủ thấm để có thể giải quyết triệt để các tồn tại.

"Các doanh nghiệp bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái "ngộp thở" trong thời gian dài, như "người sắp chết đuối". Mặc dù, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên", VARS đánh giá.

Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng công ty địa ốc thành lập mới là 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản giảm lần lượt 6,46% và 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.

VARS cũng cho biết, động lực sống đã giúp các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang cố gắng "vùng vẫy để tồn tại. Các chuyên gia của VARS khẳng định sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn. Nếu những đơn vị này không "ngoi lên" kịp thời, chắc chắn họ sẽ bước sang giai đoạn "sặc nước, ngừng thở" đồng loạt.

Tình hình xấu của doanh nghiệp bất động sản kéo theo hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản với quy mô lớn. Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do thu nhập không đủ sống và do bị doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hoặc phá sản.

Phân nhóm doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách giúp doanh nghiệp bất động sản giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, VARS nhận định những chính sách này chỉ có tác động giúp các doanh nghiệp cầm chừng. Thay vì "đóng băng" tại thời điểm này thì kéo dài hơn tình trạng "thoi thóp" và chuyển sang "đóng băng" tại thời điểm khác.

Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm 2023 nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp vốn đã yếu lại ngày càng suy giảm. Hiện tại, doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong khi đó doanh thu thì sụt giảm mà vẫn phải gồng mình lên gánh nhiều khoản chi phí.

Phương án giải cứu doanh nghiệp bất động sản năng lực yếu, hết khả năng triển khai dự án (Ảnh: TN)

"Việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng không phải là đơn giản. Hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay (đặc biệt là những doanh nghiệp nợ cũ rơi vào nhóm đối tượng cho giãn, hoãn) và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư", VARS nhận định.

Do đó, VARS kiến nghị đưa ra 3 trường hợp để "cứu nguy" các doanh nghiệp bất động sản khó khăn.

Trường hợp 1, đối với các doanh nghiệp còn lực, còn "dấu hiệu sinh tồn" cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường, tuy nhiên ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Trường hợp 2: Đối với các doanh nghiệp bất động sản yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Điều này nhằm mục đích kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.

Trường hợp 3: Đối với các doanh nghiệp bất động sản có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án. Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện việc "mua lại" các dự án của doanh nghiệp. Sau đó, hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Thái Nguyên

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play