Làn sóng sa thải “tấn công” ngành xe điện

Dù đang trở thành xu hướng mới được yêu thích, ngành xe điện hiện đang đứng trước những khó khăn do nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu.

Xe điện được coi là một phân khúc công nghệ mới nổi, được thúc đẩy bởi nhu cầu cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt khi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chuyển dần sang xu hướng này.

Tuy nhiên, những hãng xe tuyển dụng ồ ạt thời gian trước giờ đây lại đang đảo ngược tình hình, sa thải một lượng lớn nhân viên, tạo ra một thị trường việc làm đầy thách thức.

Cắt giảm nhân sự ồ ạt

Mới đây nhất, nhà sản xuất xe tải điện Mỹ Rivian Automotive cho biết họ đang sa thải 6% trong tổng số 14.000 nhân viên của mình nhằm tiết kiệm tiền mặt cho công ty. Đây là đợt cắt giảm thứ 2 sau khi công ty khởi nghiệp này cho 6% nhân viên thôi việc vào cuối tháng 7/2022. 

Rivian ra mắt công chúng thông qua đợt chào bán lần đầu thành công vào cuối năm 2021, huy động được gần 12 tỷ USD. Nhưng kể từ đó, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại California đã mất gần 90% giá trị, khiến công ty phải xem xét lại các kế hoạch mở rộng sản xuất khi hướng tới mục tiêu lợi nhuận.

Hiện Rivian đang tập trung sản xuất xe tải R1 và xe tải giao hàng EDV cho Amazon, cũng như phát triển nền tảng xe R2 nhỏ hơn của mình.

Một dây chuyền lắp ráp của hãng xe Rivian ở Normal, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: NY Times

Cuối tháng 1/2023, công ty xe điện Anh Arrival cho biết họ đã sa thải 50% nhân viên để cắt giảm chi phí. Với động thái này, số lượng nhân viên công ty sẽ chỉ còn 800 người.

Công ty tuyên bố rằng họ dự kiến sẽ giảm một nửa chi phí hoạt động kinh doanh liên tục xuống còn khoảng 30 triệu USD mỗi quý, trong đó tính đến việc giảm chi phí bất động sản và các chi phí khác của bên thứ ba.

Cũng trong tháng 1/2023, Công đoàn Đức IG Metall cho biết Ford Motor đang xem xét cắt giảm từ 2.500 - 4.000 công việc phát triển sản phẩm trong số 6.250 công việc trên khắp châu Âu.  

Việc sa thải sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến những nhân viên Ford đang làm việc trong bộ phận phát triển phương tiện, đặc biệt là ở Đức và Anh, khi hãng xe chuyển một số vai trò phát triển sản phẩm sang Mỹ.

Kế hoạch này đã được thông báo tới khoảng 14.000 công nhân tại nhà máy Cologne của Ford vào ngày 23/1 tại một cuộc họp của hội đồng lao động.

Vẫn là bài toán chi phí

Mức độ phổ biến của xe điện đã tăng lên trong 2 năm qua khi nhiều nhà sản xuất ô tô tung ra các tùy chọn bổ sung cho xe sedan, SUV và xe bán tải.

Tuy nhiên, đối mặt với một thị trường đang trở nên bão hòa với nhiều loại xe điện na ná nhau, Ford đã quyết định cắt giảm việc làm ở châu Âu trong nhiều năm với mục đích cải tiến thương hiệu của mình, bán ít loại xe hơn và trở nên khác biệt hơn. Việc cắt giảm việc làm là một phần trong kế hoạch tiết kiệm chi phí cho sự thay đổi lớn của hãng xe sau này.

Trong khi đó, các hãng xe điện nói chung cũng phải đối mặt với những trở ngại khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cao hơn.

Theo các nhà phân tích, những khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng phụ tùng, chi phí lao động và nguyên vật liệu leo thang, trong khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu dự báo chậm lại, các nhà sản xuất ô tô buộc phải cắt giảm chi phí bằng cách giảm số lượng lớn nhân công.

Theo báo cáo quý III/2022, Rivian chỉ kiếm được hơn 500 triệu USD doanh thu từ việc bán vài nghìn chiếc xe điện, nhưng hãng đã phải tiêu tốn gần 1,5 tỷ USD để chế tạo những chiếc xe đó. Trong khi đó, hãng cũng đang chi gần 1 tỷ USD mỗi quý để xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ, bán hàng và hỗ trợ đội xe đang phát triển của mình.

Tháng 11/2022, hãng xe điện Arrival cho biết họ có thể không có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động kinh doanh cho đến cuối năm 2023. Ảnh: Autonews

Đây rõ ràng không phải là một hoạt động kinh doanh bền vững về mặt tài chính. Mặc dù các nhà đầu tư không cần phải quá lo lắng vì tính đến cuối tháng 9/2022, Rivian còn khoảng 13,8 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, công ty đã thua lỗ 5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2022, và mục tiêu sản xuất 25.000 xe vào năm 2022 cũng không thể thực hiện được.

Trong khi đó, Arrival đã phải vật lộn trong nhiều tháng để sản xuất hàng loạt sản phẩm xe tải điện chủ chốt của công ty. Hãng cho biết họ đặt mục tiêu mở một số nhà máy ở Bắc Mỹ để được hưởng khoản tín dụng thuế xe điện mới được công bố gần đây.

Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề lớn khi số tiền mặt của hãng hiện chỉ còn 205 triệu USD và đang dần cạn kiệt. Giám đốc điều hành tiền nhiệm ước tính chi phí của một nhà máy là 50 triệu USD, cộng thêm 50 triệu USD vốn lưu động.

Đối với những công ty non trẻ như Rivian hay Arrival, việc bắt kịp thành công của Tesla trong việc đưa các phương tiện mới ra thị trường với nguồn lực hạn chế thực sự là một cuộc chiến dài hơi.

Nguyễn Tuyết (Theo The Verge, Insider Intelligence, The Street, Electrek)

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play