Big 4 ngân hàng sẽ đối thoại với doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn

Đại diện các ngân hàng thương mại quốc doanh là VCB, BIDV, VietinBank cho biết, ngân hàng sẽ ngồi làm việc với từng doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ từng vướng mắc, khó khăn cụ thể của từng dự án.

Hội nghị tín dụng bất động sản. Ảnh: SBV

Sau khi lắng nghe ý kiến chia sẻ của đại diện các tập đoàn bất động sản lớn như Vinhomes, Novaland, Sun Group... về khó khăn, vướng mắc liên quan tới dòng tiền, huy động vốn trong thời gian qua, đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã dành một phần không nhỏ trong dư nợ tín dụng cho bất động sản (bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân).

Cụ thể, đến cuối năm 2022, tín dụng dành cho bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,27% so với cuối năm 2021 (một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất) và chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hiện dư nợ bất động sản đang chiếm trên 20% tổng dư nợ của VCB (cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay mua bất động sản). Riêng năm 2022 tín dụng bất động sản của ngân hàng đã tăng tới 17%, tập trung vào các dự án khả thi, người dân có nhu cầu mua nhà để ở.

Tổng giám đốc VCB cho biết, ngân hàng phân rõ tín dụng bất động sản theo đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Hiện, dư nợ mua bất động sản của cá nhân chiếm 90%, khách hàng doanh nghiệp đầu tư dự án là 10%. Đặc biệt, tiểu ngành cho vay bất động sản KCN-KCX rất được quan tâm, năm 2022 dư nợ tín dụng nhóm này tăng 4 lần so với 2021. 

Trong năm 2023, VCB tiếp tục ưu tiên cho vay vào lĩnh vực bất động sản KCN-KCX. Cùng với đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, sau 2 năm COVID đã có khởi sắc, vì vậy VCB cũng sẽ có chính sách mới, cởi mở hơn để phù hợp với thực tế. Về cơ bản, ngân hàng sẽ chọn lọc những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.

Đại diện VCB cho biết, thực tế hiện nay những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu xuất phát từ hệ luỵ trừ TPDN. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng vừa phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các quy chuẩn của NHNN, vừa phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế nhưng lại phải vẫn phải đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. 

Đề xuất giải pháp, Tổng Giám đốc VCB nhấn mạnh, để giảm áp lực cho ngân hàng, Chính phủ, cơ quan quản lý cần hỗ trợ để thị trường TPDN phát triển an toàn, hiệu quả, để giảm gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế lên vai ngân hàng.

Chia sẻ về định hướng lãi suất, ông Tùng cho biết, ngay trước cuộc họp ngày hôm nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất, trong năm 2023 sẽ nỗ lực làm sao giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Quyền Tổng giám đốc VietinBank cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, "ngành ngân hàng kỳ thị doanh nghiệp bất động sản", nhưng thực tế là doanh nghiệp bất động sản khó khăn ngành ngân hàng như ngồi trên đống lửa. Vì ngân hàng và doanh nghiệp cùng chung một con thuyền.

Theo đó, đại diện VietinBank cho biết, hiện ngân hàng đã dành rất nhiều nguồn lực cho bất động sản, với hơn 21% tổng dư nợ là cho lĩnh vực này, còn lại gần 80% dư nợ phải chia cho hơn 1.000 ngành nghề khác. "Có ngân hàng nước ngoài nói ngân hàng Việt Nam mê ngành bất động sản quá nên dành nhiều vốn cho nó", ông Dũng nói.

Quyền Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng ngoài đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn cũng là khó khăn của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cũng rất cần các doanh nghiệp đồng hành và thấu hiểu.

Về đề xuất tái cơ cấu nợ, giãn nợ cho ngành bất động sản của Hiệp hội Bất động sản và một số doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, cần hết sức cân nhắc và thận trọng.

"Nếu ngành bất động sản xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ được thì các ngành khác cũng sẽ có lý do để xin giãn nợ, tái cơ cấu nợ. Điều đó cũng không đảm bảo nguyên tắc công bằng trên thị trường. Ngoài ra, nếu giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, ngân hàng sẽ không đáp ứng chuẩn basel II, từ đó các định chế nước ngoài sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam", Quyền Tổng giám đốc VietinBank nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV. Ảnh: SBV

Trao đổi về quan điểm của BIDV với tín dụng bất động sản, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, tỷ lệ tín dụng bất động sản của BIDV là 18,4% cũng tương đương Vietinbank và VCB.

Riêng năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản của BIDV tăng 4,6 nghìn tỷ (20%), trong đó cho khách hàng cá nhân là 79%. "Điều này cho thấy ngành ngân hàng luôn đồng hành với lĩnh vực bất động sản, không có việc giảm hoặc kiểm soát dư nợ bất động sản", ông Lâm nói.

Tuy nhiên, trong năm 2022, do khó khăn từ thị trường chứng khoán và TPDN - 2 nguồn vốn đóng góp lớn cho bất động sản khiến nhu cầu vốn tín dụng cho bất động sản dồn lên hệ thống ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng đang đáp ứng tốt nhu cầu vay của các dự án khả thi.

Trong năm 2023, Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho vay vào một số lĩnh vực bất động sản như KCN-KCX ở các địa bàn lớn; cho vay mua nhà ở, ưu tiên các địa bàn lớn, chủ đầu tư và khách hàng uy tín.

Với những dự án vướng mắc thủ tục pháp lý chưa thể cho vay, ông Lâm cho biết, có nhiều dự án khi ngân hàng làm thủ tục thì chưa cần đầy đủ cơ sở pháp lý nhưng trước khi giải ngân dự án phải đủ thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng thì ngân hàng mới có cơ sở cho vay.

Trước cuộc họp với NHNN, BIDV đã có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp bất động sản để tiếp thu ý kiến. Theo thống nhất với các NHTM nhà nước, từng ngân hàng sẽ hẹn lịch làm việc riêng với từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo, những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp bất động sản, cần có sự ngồi lại làm việc của cả 2 bên là NHTM và doanh nghiệp.

"Với tư cách 2 doanh nghiệp với nhau, sau cuộc họp này, đề nghị 2 bên ngồi lại, rà soát từng dự án để đưa ra phương án xử lý thấu đáo, khẳng định dự án nào cho vay được thì giải ngân, dự án nào không cho vay được thì chỉ rõ lý do", Phó Thống đốc nói.

N.Thoan/NĐT

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play