Lo tỉ giá, sợ lạm phát

Mục tiêu giữ ổn định lãi suất, trên nền tảng đó ổn định tỉ giá, trước đồng USD tăng giá, xu hướng FED tăng lãi suất, đang trở nên khó khăn.

Giữa tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp, cùng với đó là tiếp tục thu hẹp quy mô trái phiếu đã tích lũy nhiều năm qua. Ngay sau động thái này, chỉ số Dollar-Index, đo lường sức mạnh USD và rổ ngoại tệ, đã tăng mạnh. Chỉ số này vẫn giữ ở mức cao kỷ lục trong 20 năm qua. Ngân hàng trung ương các nước khác cũng nối gót, tiếp tục tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Tại Việt Nam, ngay sau quyết định của FED, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng lãi suất tái cấp vốn lên 5%/năm, tái chiết khấu lên 3,5%/năm và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm... 

FED tăng lãi suất trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang phải đối mặt với bài toán khó: vừa ổn định tỉ giá, vừa giữ mặt bằng lãi suất, cân bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.


 
Nhìn lại bức tranh lợi nhuận bán niên 2022, nhiều công ty vay nợ bằng USD đã phải ghi nhận một phần lỗ tỉ giá do USD mạnh lên. Áp lực từ tỉ giá tăng từ nay đến cuối tháng 9 cũng như đến cuối năm 2022 vẫn hiện hữu, nên các doanh nghiệp chưa có khả năng trả hết nợ vay bằng USD và không có nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu tiếp tục đối diện với nguy cơ lỗ tỉ giá trong 2 quý cuối năm.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, suy giảm tăng trưởng ở nhiều thị trường sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ... Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải kiên định, cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Nếu nới lỏng hơn không chỉ tạo áp lực lên tỉ giá mà còn gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. “Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt. Vì tỉ lệ tín dụng/GDP hiện đã là 124%, đây là mức rất rủi ro”, ông cảnh báo.


 
Quan sát động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây có thể thấy sự cảnh giác với biến động tỉ giá. Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 2,8%, thuộc nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới. Trước áp lực tỉ giá, theo ước tính của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỉ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỉ USD và đã giảm tỉ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay và giữ chênh lệch lãi suất VND luôn hấp dẫn so với USD đã giúp VND không bị mất giá quá nhiều trước đà tăng giá mạnh của USD.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, điều quan trọng cần nhìn đến là khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 11 và 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 12 để có mức lãi suất mục tiêu là 4,375% vào cuối năm 2022, cao hơn 100 điểm cơ bản so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 6. “Quan điểm của FED vẫn là thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát dù khả năng kinh tế suy thoái cao hơn. Với xu hướng tăng hiện nay (chỉ số USD đã vượt ngưỡng 110), áp lực ngắn hạn sẽ vẫn còn cao”, báo cáo của Maybank Kim Eng nhận định.

Nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần cộng với xuất siêu cả năm 2022 dự kiến giảm khiến nỗi lo mỏng ngoại tệ lại tăng lên. Ảnh: Quý Hòa

Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần cộng với xuất siêu cả năm 2022 dự kiến giảm khiến nỗi lo mỏng ngoại tệ lại tăng lên, trong khi đà tăng của USD vẫn chưa ngừng. Vì vậy, nhiều phân tích cho rằng không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể phải tiếp tục điều chỉnh tỉ giá bán USD thời gian tới. “Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng đà mất giá của VND sẽ chững lại trong thời gian còn lại của năm 2022 nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, để đạt mục tiêu tổng thể vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tài chính để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có lúc áp lực lên chính sách tiền tệ mạnh quá, chính sách tài khóa sẽ chia sẻ gánh nặng bằng các giải pháp giảm thuế, phí... cho các ngành hàng liên quan đến nhập khẩu. Điều này có thể kéo giảm lạm phát, giảm áp lực cho chính sách tiền tệ.

Minh Đức

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play