Dầu thế giới mất mốc quan trọng

Giá dầu Brent vừa rơi xuống dưới ngưỡng 85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1. Đồng USD mạnh lên đã đè nặng lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.


Giá dầu thô Brent giảm sâu khi đồng USD mạnh lên. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 26/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã rơi xuống dưới ngưỡng 85 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1, rồi tăng nhẹ lên gần 86 USD/thùng.

So với một năm trước đó, mức tăng của giá dầu Brent đã bị thu hẹp còn 7,41%. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ được giao dịch quanh mức 78 USD/thùng, giảm 18,76% sau một tháng và tăng nhẹ 3,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Việc các ngân hàng trung ương ồ ạt nâng lãi suất trong vài ngày qua cũng làm dấy lên lo ngại đối với tăng trưởng", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Zing.

Biến động của giá dầu WTI chuẩn Mỹ và dầu Brent trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics.
Sức mạnh của đồng USD

Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng vọt lên 113,1 điểm, tăng 21,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá USD tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong cuộc họp chính sách tháng 9.

Theo ông Amrita Sen - Giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm là đồng USD mạnh hơn.

"Sức ép đối với các thị trường hàng hóa, bao gồm dầu thô, vẫn kéo dài sau phiên giao dịch ảm đạm hôm 23/9 bởi đồng USD tiếp tục mạnh lên và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám"

Ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Saxo

Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương ở khắp nơi trên thế giới như Ngân hàng Anh (BoE) cũng đã nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Hôm 22/9, BoE tăng lãi suất 0,5 phần trăm, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 7 liên tiếp, và cho rằng nền kinh tế Anh "có thể đã suy thoái".

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát. Đội ngũ chiến lược của ngân hàng đầu tư Saxo cho biết tâm lý thị trường đang tiếp tục xấu đi.

"Các ngân hàng trung ương đã chấp nhận rằng một cuộc suy thoái là cái giá phải trả để kìm hãm lạm phát. Và điều này có thể ảnh hưởng tới giá dầu", ông Erlam nhận định.

"Sức ép đối với các thị trường hàng hóa, bao gồm dầu thô, vẫn kéo dài sau phiên giao dịch ảm đạm hôm 23/9 bởi đồng USD tiếp tục mạnh lên và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám", ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Saxo - nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu dầu WTI tiếp tục được giao dịch dưới ngưỡng 80 USD/thùng, còn giá dầu Brent ở quanh mức 85 USD/thùng, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) sẽ vào cuộc.

Rủi ro với nguồn cung

Hồi đầu tháng 9, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10. Động thái này cho thấy ý định giữ giá dầu của OPEC+.

Ngoài ra, ông Hansen cho rằng giá dầu sẽ nhanh chóng phục hồi khi đà tăng của đồng USD hạ nhiệt. Một cuộc suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ đè nặng lên sức mạnh của đồng bạc xanh.

Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, dự báo khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lên tới 80%.

"Nếu Fed tiếp tục thắt chặt định lượng, đưa tốc độ tăng trưởng và cung tiền M2 về vùng âm, tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ", ông Hanke cảnh báo.

Thêm vào đó, Moscow cũng vừa cảnh báo sẽ không cung cấp hàng hóa cho những quốc gia tham gia vào kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga.

Nguồn cung dầu trên toàn cầu vẫn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố. Ảnh: Reuters.

"Cách tốt nhất để Moscow làm suy yếu quyết tâm của phương Tây là đẩy nhanh một cuộc khủng hoảng năng lượng", ông Craig Kennedy tại Davis Center for Russian and Eurasian Studies (thuộc Đại học Harvard) bình luận. "Tổng thống Putin muốn gửi đi thông điệp rằng, các động thái trừng phạt sẽ khiến phương Tây tổn thương nhiều hơn Nga", vị chuyên gia nói thêm.

"Trên thực tế, thị trường dầu vẫn ở trong tình trạng thắt chặt. OPEC+ sẵn sàng hạn chế nguồn cung hơn nữa", chuyên gia Erlam nhận định.

"Trong khi đó, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran có khả năng đổ vỡ. Lệnh tổng động viên của Nga cũng có thể gây rủi ro cho nguồn cung dầu toàn cầu", vị chuyên gia nói thêm.

Thảo Phương

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play