Chuyên gia: 'Phụ thuộc tín dụng ngân hàng khiến doanh nghiệp như đi trên một chân'

Các doanh nghiệp lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng nên ở vào thế khó khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Azfin Việt Nam cho rằng, nếu muốn có nguồn vốn đa dạng và bền vững, các doanh nghiệp phải mạnh dạn phá bỏ "thế một chân" này.

Hiện nay có nhiều hình thức huy động vốn cho doanh nghiệp, ngoài vốn góp ban đầu, các công ty cũng có thể tìm kiếm nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh từ tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu, lợi nhuận không chia, tín dụng thương mại…

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề huy động vốn. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì gốc rễ của tình trạng này là gì và các doanh nghiệp nên cân nhắc những gì để xây dựng, phát triển nguồn tài chính bền vững?

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP Azfin Việt Nam - đơn vị chuyên về tư vấn tài chính, chứng khoán.

Mekong ASEAN: Nhiều doanh nghiệp đang than khó trong việc huy động vốn trong bối cảnh cần đẩy mạnh kinh doanh sản xuất để phục hồi sau đại dịch. Ông nhận định sao về vấn đề này, đặc biệt là trong thời gian sắp tới?

Ông Đặng Trần Phục: Ngay từ cuối quý 2/2022, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về huy động vốn trên tất cả các kênh. Từ nay đến đầu năm 2023, tôi cho rằng sự khó khăn này còn tiếp tục kéo dài.

Nguyên nhân do room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã full room ngay từ đầu quý 2. Việc nới room cho các ngân hàng trong quý 3 cũng không đáng kể và có thể hết ngay chỉ trong đầu quý 4/2022.

Trong khi đó, huy động vốn từ kênh trái phiếu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn từ những yêu cầu khắt khe hơn của cơ quan quản lý, thời gian duyệt hồ sơ lâu hơn và lãi suất cũng tăng cao. Thực tế trong tháng 7 và 8/2022, thị trường này gần như “đóng băng”.

Huy động vốn từ cổ phiếu cũng không thuận lợi khi thị trường từ đầu năm 2022 đến nay có sự suy giảm mạnh do tác động của kinh tế suy yếu trên thế giới, lãi suất tăng và tỷ giá VND giảm.

Mekong ASEAN: Ông có nhận thấy doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng dẫn đến mất tính tự chủ và gây áp lực lên hệ thống tài chính? Theo ông, đâu là giải pháp để thay đổi cục diện này cũng như phát triển nguồn vốn đa dạng và bền vững cho doanh nghiệp?

Ông Đặng Trần Phục: Thông thường các nước trên thế giới giới có sự công bằng đáng kể giữa thị trường tiền tệ (vốn ngắn và trung hạn) hay nói cách khác tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường vốn (vốn trung và dài hạn) bao gồm thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Còn ở Việt Nam, tỷ trọng huy động vốn cả ngắn, trung và dài hạn đè nặng lên hệ thống ngân hàng.

Theo thống kế của AzFin Việt Nam, đến hết quý 2/2022, quy mô tín dụng của Việt Nam đạt 11,8 triệu tỷ đồng, bằng 128% của GDP, đây là mức rất cao so với trung bình khoảng 80% trên thế giới. Ngược lại, thị trường vốn quy mô còn khá khiêm tốn. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 240 tỷ USD, tương đương 60% GDP, còn thị trường trái phiếu khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương chỉ 15% so với GDP. Như vậy là rất lệch, thậm chí nhiều người còn nói vui là chúng ta đang đi trên một chân.

Theo tôi, giải pháp để thay đổi cục diện này cần phải đến từ nhiều bên. Đối với cơ quan quản lý, tôi cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý một cách đầy đủ, rõ ràng về phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn. Mặt khác cũng phải thông thoáng, dễ áp dụng đối với các bên khi tham gia huy động vốn. Có như vậy mới thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững, lâu dài, từ đó phát huy đúng vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn đáng tin cậy cho doanh nghiệp.


Mekong ASEAN: Vấn đề huy động vốn cho doanh nghiệp bất động sản đang rất nóng hiện nay. Có ý kiến cho rằng ngân hàng không nên nới thêm room tín dụng cho lĩnh vực này vì tỷ trọng cho vay đã quá nhiều. Ông nhận định sao về ý kiến đó, và nếu không nới thêm tín dụng ngân hàng cho bất động sản thì doanh nghiệp phải xoay chuyển theo hướng nào để đảm bảo dòng vốn kinh doanh?

Ông Đặng Trần Phục: Việt Nam là đất nước đang phát triển do đó tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về nhà ở tại các thành phố trọng điểm là rất lớn. Vì vậy, thị trường bất động sản hết sức sôi động và phát triển nhanh, kéo theo tỷ trọng vốn lớn. Điều này là rất hợp lý.

Tuy nhiên, nếu tín dụng đổ vào thị trường bất động sản quá lớn có thể gây ra bong bóng bất động sản và rất nguy hiểm đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vì thế theo tôi không nên khóa room tín dụng vào bất động sản, nhưng cũng cần kiểm soát để dòng tiền thực sự đến với những dự án tốt và những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự, ngăn chặn vào các dự án có tính chất đầu cơ cao.

Khi nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, tôi cho rằng doanh nghiệp bất động sản nên tìm kiếm các đối tác có tiềm lực tài chính mạnh tham gia liên doanh liên kết để thực hiện dự án.

Mekong ASEAN: Nói vậy thì dễ nhưng thực tế lại không đơn giản, nhất là sau những vụ việc vi phạm về huy động vốn xảy ra tại các doanh nghiệp bất động sản vừa qua. Trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư đang bị sứt mẻ như hiện tại, ông cho rằng các doanh nghiệp nên hành động như thế nào?

Ông Đặng Trần Phục: Niềm tin rất quan trọng trên thị trường vốn, vì trái phiếu và cổ phiếu thường không có tài sản đảm bảo chắc chắn như ngân hàng. Vì vậy, việc xây dựng niềm tin với nhà đầu tư là việc hết sức quan trọng với các doanh nghiệp.

Để làm được điều này, tôi cho rằng doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc thực hiện đúng các cam kết đã đề ra. Công khai, minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến sử dụng vốn huy động được. Đặc biệt là nên có bộ phận quan hệ nhà đầu tư để nhà đầu tư và doanh nghiệp thấu hiểu nhau, cảm thông cho nhau.

Mekong ASEAN: Để huy động vốn hiệu quả từ các kênh khác như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, theo ông doanh nghiệp nên chú ý đến những yếu tố nào nhất?

Ông Đặng Trần Phục: Để đảm bảo việc huy động vốn từ các nguồn ngoài tín dụng phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động thông suốt thì theo tôi doanh nghiệp cần chú ý đến các yếu tố sau:

Hiểu rõ tính chất của từng loại nguồn vốn để có thể phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Ví dụ như trái phiếu là vốn vay phù hợp cho các dự án dài hạn, còn cổ phiếu là nguồn vốn dài hạn nhất vì đó chính là hình thức kêu gọi thêm cổ đông do đó không có thời gian đáo hạn.

Quan tâm đến chi phí vốn bởi đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của dự án, của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận dành cho cổ đông.

Hiểu rõ trách nhiệm đối với từng nguồn vốn, ví dụ với trái phiếu thì phải thực hiện trả lãi và gốc đúng thời hạn cam kết trong hợp đồng; với cổ phiếu thì không có giới hạn, không yêu cầu trả lãi và gốc nhưng lại có áp lực về cổ tức về kết quả kinh doanh.

Để làm được những điều trên, doanh nghiệp cần thiết xây dựng cho mình một bộ phận quản trị tài chính chuyên nghiệp. Họ sẽ đưa ra chiến lược lâu dài để huy động vốn phù hợp với thực lực doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tìm được nguồn vốn phù hợp với chi phí hợp lý nhất.

Chủ tịch Azfin Việt Nam Đặng Trần Phục

Mekong ASEAN: Bộ phận quản trị tài chính, dường như đây là yêu cầu tất nhiên cho tất cả các doanh nghiệp, vì sao ông lại nhấn mạnh điều này?

Ông Đặng Trần Phục: Vì theo tôi, đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn lẫn lộn giữa bộ phận kế toán và bộ phận tài chính. Nhưng đây là hai bộ phận hoàn toàn khác nhau. Kế toán đơn giản là ghi nhận lại các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các con số. Còn bộ phận tài chính có vai trò tầm nhìn chiến lược.

Họ có vai trò xây dựng chiến lược về nguồn vốn lâu dài phù hợp với chiến lược phát triển chung cho doanh nghiệp; Quyết định đầu tư dự án và nguồn tài trợ vốn phù hợp với từng dự án; Kiểm soát dòng tài chính mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Giám sát và kiểm tra các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Sử dụng tài chính như một dạng đòn bẩy thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế các doanh nghiệp lớn trên sàn đã có bộ phận này như Vingroup, FPT, Hoà Phát, Vinamilk, Masan… Đây là những tập đoàn có bộ phận quản trị tài chính rất mạnh và giúp họ có vẻ như không bao giờ phải lo về vốn. Như Vingroup có thể liên tục phát hành trái phiếu quốc tế mà không cần xếp hạng tín nhiệm, giá trị lên đến nửa tỷ USD, thậm chí cả tỷ USD. Hay như Masan cũng được Alibaba, SK Group và rất nhiều tập đoàn, định chế tài chính quốc tế rót vốn trong 2 năm qua.

Quản trị tài chính sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được 4 mục tiêu là phát triển ổn định, thanh khoản tốt, hiệu quả cao, sinh lời tốt. Không chỉ các tập đoàn lớn mà các công ty nhỏ cũng rất cần thiết vì nó sẽ tối ưu hoá nguồn vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên điều trở ngại nhất là nguồn nhân sự trong ngành này còn khá mỏng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đinh Nhung

What you need to know

The latest on what’s moving markets, in your inbox every morning

MAI Trading & Finance:

AI Cá nhân hóa

cho giao dịch chứng khoán

Tải app ngay hôm nay để bắt đầu hành trình giao dịch, mua bán của bạn trên nền tảng tin cậy được hỗ trợ bởi trợ lý AI đầu tiên cho chứng khoán.
download via App Store
download via App Store
download via Google Play